Giỗ Tổ Hùng Vương là lễ kỷ niệm tưởng nhớ Tổ tiên Hùng Vương và là ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt. Lễ này được tổ chức vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm (tức vào khoảng giữa tháng 4-5 dương lịch).

Theo truyền thuyết, Tổ tiên Hùng Vương là người đầu tiên đặt nền móng cho đất nước Việt Nam ngày nay. Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức để tôn vinh những đóng góp của ông cho dân tộc, đồng thời kết nối những thế hệ con cháu trong gia đình và cộng đồng.

Trong ngày lễ này, người Việt thường đến thăm mộ các tổ tiên, đặc biệt là ngôi đền Hùng tại Phú Thọ để cầu nguyện và dâng hương. Ngoài ra, cũng có các hoạt động văn hóa truyền thống như diễn kịch, nhạc hội, trình diễn võ thuật, chạy đua ngựa và các trò chơi dân gian.

Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2023 ngày mấy?

lich gio to hung vuong

Lịch nghỉ lễ 30/4, 1/5 và Giỗ Tổ Hùng Vương 2023 chính thức theo quy định của Bộ luật Lao động là 5 ngày liền nhau.

Lịch nghỉ lễ 30/4 và đợt các ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 10 tháng 3 âm lịch, ngày Quốc tế Lao động 1/5/2023 được thực hiện theo quy định của điều 112 Bộ luật Lao động 2019. Theo đó, người lao động (có lịch làm việc 5 ngày/tuần) sẽ được nghỉ 3 ngày nguyên lương tương ứng cho 3 ngày lễ này. 

Năm 2023, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10 tháng 3 âm lịch rơi vào ngày 29/4 dương lịch, vì thế, người lao động có đợt nghỉ 3 ngày lễ chính thức liền nhau.

Ngoài ra, do 2 ngày nghỉ Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4 rơi vào thứ Bảy và Chủ nhật nên người lao động được nghỉ bù 2 ngày làm việc liền sau đó. Như vậy, kỳ nghỉ này sẽ kéo dài 5 ngày, bắt đầu từ thứ Bảy 29/4/2023 đến hết thứ Tư ngày 3/5/2023.

Dưới đây là lịch nghỉ Lịch nghỉ lễ 30/4, 1/5 và Giỗ Tổ Hùng Vương 2023 cụ thể:

– Nghỉ 1 ngày 29/4 dương lịch, thứ Bảy: Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch

– Nghỉ 1 ngày 30/4, Chủ nhật: Ngày Chiến thắng 30/4

– Nghỉ 1 ngày 1/5, thứ Hai: Ngày Quốc tế Lao động

– Nghỉ 1 ngày 2/5: Bù cho ngày 30/4 vào Chủ nhật

– Nghỉ 1 ngày 3/5: Bù ngày Giỗ Tổ Hùng Vương vào thứ Bảy (dành cho người lao động có lịch nghỉ cố định thứ 7 hàng tuần).

Người đi làm ngày nghỉ lễ được tính công thế nào?

Đi làm ngày lễ được tính công thế nào là thắc mắc của nhiều người lao động.

Trong những ngày nghỉ lễ trên, người lao động được nghỉ làm hưởng nguyên lương (3 ngày, không tính ngày nghỉ bù). Trường hợp người lao động làm việc vào ngày nghỉ lễ, tết sẽ được trả lương, thưởng theo quy định.

Tiền lương làm thêm giờ được xác định theo Điều 98 Bộ Luật Lao động như sau: Tiền lương làm thêm ban ngày = 300% x đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm. Tiền lương làm thêm ban đêm = 390% x đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm.

Như vậy, nếu tính cả lương ngày nghỉ lễ, người lao động đi làm ngày lễ, tết được trả lương làm việc ban ngày nhận ít nhất 400% lương; làm việc vào ban đêm nhận ít nhất 490% lương.

Vua Hùng (Hùng Vương)

gio to hung vuong

Hùng Vương hay vua Hùng là cách gọi dành cho các vị vua nước Văn Lang của người Lạc Việt, tồn tại vào khoảng thế kỷ 7 tới thế kỷ 2 trước công nguyên.

Trong sử liệu Việt Nam, Hùng Vương được nhắc đến trong Lĩnh Nam chích quái (đời Lý-Trần) cùng truyền thuyết Âu Cơ-Lạc Long Quân. Đại Việt sử lược đời Trần cũng có ghi chép “Đời Trang Vương nhà Chu, ở bộ Gia Ninh có người dị nhân, dùng ảo thuật khuất phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương” (có bản dịch là Đối Vương, 碓王). Đại Việt sử ký toàn thư thời Hậu Lê chính thức đưa Hùng Vương làm quốc tổ.

Trong sử liệu Trung Quốc, danh xưng “Hùng Vương” được ghi chép trong sách Thái Bình quảng ký, thế kỷ thứ X, dẫn Nam Việt chí khoảng thế kỷ V: “Vùng đất Giao Chỉ rất màu mỡ, di dân đến ở, thoạt đầu biết trồng cấy. Đất đen xốp. Khí đất hùng (mạnh). Vì vậy ruộng ấy gọi là ruộng Hùng, dân ấy là dân Hùng.” Đoạn này tương tự với miêu tả về Giao Chỉ trong Quảng Châu ký (thế kỷ IV) và Thủy Kinh chú (thế kỷ VI) trích Giao Châu ngoại vực ký thế kỷ IV. Tuy nhiên các sách này không ghi là “Hùng Vương” (雄王) mà ghi là “Lạc Vương” (雒王).

Lãnh thổ của nước Văn Lang được xác định ở khu vực đồng bằng sông Hồng, phía đông bắc giáp với Âu Việt, phía tây bắc thuộc các tỉnh miền bắc Việt Nam và một phần đất tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc ngày nay, phía đông giáp với biển Đông, phía tây tiếp giáp và chạy dọc theo dãy núi Hoàng Liên Sơn (thuộc Lào Cai, Sơn La ngày nay), phía nam giáp Hồ Tôn Tinh (hay Hồ Tôn), một quốc gia Champa cổ. Dân số của Văn Lang khoảng 40, 50 vạn người, chủ yếu phân bố ở khu vực trung du, hạ du sông Hồng và sông Mã.

Hùng Vương sai các em trai phân trị, đặt em thứ làm Tướng võ, Tướng văn. Tướng văn gọi là Lạc Hầu, Tướng võ là Lạc Tướng, con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mị Nương, quan Hữu ty gọi là Bố Chính, thần bộc, nô lệ gọi là nô tỳ, xưng thần là khôi, đời đời cha truyền con nối gọi là phụ đạo, thay đời truyền nhau cho đến hiệu là Hùng Vương không đổi.

Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư chép phần đầu tiên đặt tên là Kỷ Hồng Bàng thị, 3 tiểu mục là Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Hùng Vương. Sách Lĩnh Nam chích quái đặt tên là Truyện Hồng Bàng.

Theo sách Khâm định Việt sử Thông giám cương mục: Theo sách An Nam chí nguyên của Cao Hùng Trưng chép. Giao Chỉ khi chưa đặt làm quận huyện, bấy giờ có ruộng Lạc, theo nước triều lên xuống mà làm ruộng, khai khẩn ruộng ấy là Lạc dân, thống trị dân ấy là Lạc Vương, người giúp việc là Lạc Tướng: đều dùng ấn đồng thao xanh. Nước gọi là Văn Lang. Phong tục thuần hậu, mộc mạc, chưa có chữ nghĩa, còn dùng lối thắt nút dây làm dấu ghi nhớ; truyền được mười tám chi.

Có một số nguồn sử học viết về lãnh thổ của vua Hùng, phía tây đến Ba Thục (Tứ Xuyên, Trung Quốc), phía bắc đến hồ Động Đình (Hồ Nam, Trung Quốc), phía nam giáp nước Hồ Tôn, tức nước Chiêm Thành, là nhầm lẫn với nước Xích Quỷ trong truyền thuyết của người Bách Việt cổ. Nước Văn Lang thuộc tộc người Lạc Việt chỉ là một trong số những tộc người Bách Việt, và cũng là tổ tiên của người Kinh ngày nay. Lạc Việt cùng với Âu Việt là 2 tộc người Bách Việt sống tại vùng đất phía nam. Sau này An Dương Vương (tên thường gọi là Thục Phán), vua nước Âu Việt (nằm ở phía tây bắc nước Văn Lang), đánh bại vua Hùng của nước Văn Lang lập nên nước Âu Lạc. Dân số Âu Lạc thời đó cũng chỉ khoảng 70 vạn, 80 vạn người. Nếu lãnh thổ Văn Lang muốn giáp Ba Thục, Tứ Xuyên và Hồ Động Đình, Hồ Nam thì phải bao gồm cả các tỉnh Quý Châu (diện tích 176.167 km²) và Hồ Nam (diện tích 210.000 km²), phần lớn tỉnh Vân Nam (diện tích 394.000 km²), một phần tỉnh Quảng Tây (diện tích 236.700 km²) của Trung Quốc.

Theo Đại Việt sử lược và nhiều tài liệu khác, triều đại Hùng Vương được truyền qua 18 đời, gồm những vị sau:

1. Kinh Dương Vương, húy Lộc Tục, tức Lục Dục Vương, sinh năm Nhâm Ngọ (2919 tr. TL) lên ngôi năm 41 tuổi, ở ngôi tất cả 86 năm, từ năm Nhâm Tuất (2879 tr. TL) đến Đinh Hợi (2794 tr. TL).

2. Lạc Long Quân, húy Sùng Lãm, tức Hùng Hiền Vương, sinh năm Bính Thìn (2825 tr. TL), lên ngôi 33 tuổi, ở ngôi tất cả 269 năm, từ năm Mậu Tý (2793 tr. TL) đến năm Bính Thìn (2525 tr. TL).

3. Hùng Quốc Vương, húy Hùng Lân, sinh năm Canh Ngọ (2570 tr. TL) lên ngôi khi 18 tuổi, ở ngôi 272 năm, từ năm Đinh Tỵ (2524 tr. TL) đến 2253 tr. TL.

4. Hùng Hoa Vương, húy Bửu Lang, lên ngôi năm Đinh Hợi (2252 tr. TL), ở ngôi tất cả 342 năm, từ năm Đinh Hợi (2254 tr. TL) đến năm Mậu Thìn (1913 tr. TL).

5. Hùng Hy Vương, húy Bảo Lang, sinh năm Tân Mùi (2030 tr. TL), lên ngôi khi năm 59 tuổi, ở ngôi tất cả 200 năm, từ năm Kỷ Tỵ (1912 tr. TL) đến Mậu Tý (1713 tr. TL).

6. Hùng Hồn Vương, húy Long Tiên Lang, sinh năm Tân Dậu (1740 tr. TL), lên ngôi khi 29 tuổi, ở ngôi tất cả 81 năm, từ năm Kỷ Sửu (1712 tr. TL) đến năm Kỷ Dậu (1632 tr. TL).

7. Hùng Chiêu Vương, húy Quốc Lang, sinh năm Quý Tỵ (1768 tr. TL), lên ngôi khi 18 tuổi, ở ngôi tất cả 200 năm, từ năm Canh Tuất (1631 tr. TL) đến năm Kỷ Tỵ (1432 tr. TL).

8. Hùng Vỹ Vương, húy Vân Lang, sinh năm Nhâm Thìn (1469 tr. TL) lên ngôi khi 39 tuổi, ở ngôi tất cả 100 năm, từ năm Canh Ngọ (1431 tr. TL) đến năm Kỷ Dậu (1332 tr. TL).

9. Hùng Định Vương, húy Chân Nhân Lang, sinh năm Bính Dần (1375 tr. TL), lên ngôi khi 45 tuổi, ở ngôi tất cả 80 năm, từ 1331 đến 1252 tr. TL.

10. Hùng Uy Vương, húy Hoàng Long Lang, trị vì 90 năm, từ 1251 đến 1162 tr. TL.

11. Hùng Trinh Vương, húy Hưng Đức Lang, sinh năm Canh Tuất (1211 tr. TL), lên ngôi khi 51 tuổi, ở ngôi tất cả 107 năm, từ năm Canh Tý (1161 tr. TL) đến năm Bính Tuất (1055 tr. TL).

12. Hùng Vũ Vương, húy Đức Hiền Lang, sinh năm Bính Thân (1105 tr. TL), lên ngôi khi năm 52 tuổi, ở ngôi tất cả 86 năm, từ năm Đinh Hợi (1054 tr. TL) đến năm Nhâm Tuất (969 tr. TL).

13. Hùng Việt Vương, húy Tuấn Lang, sinh năm Kỷ Hợi (982 tr. TL), lên ngôi khi 23 tuổi, ở ngôi tất cả 115 năm, từ năm Quý Hợi (968 tr. TL) đến Đinh Mùi (854 tr. TL).

14. Hùng Anh Vương, húy Viên Lang, sinh năm Đinh Mão (894 tr. TL) lên ngôi khi 42 tuổi, ở ngôi tất cả 99 năm, từ 853 đến 755 tr. TL.

15. Hùng Triệu Vương, húy Cảnh Chiêu Lang, sinh năm Quý Sửu (748 tr. TL), lên ngôi khi 35 tuổi, ở ngôi tất cả 94 năm, từ năm Đinh Hợi (754 tr. TL) đến năm Canh Thân (661 tr. TL).

16. Hùng Tạo Vương, húy Đức Quân Lang, sinh năm Kỷ Tỵ (712 tr. TL), ở ngôi tất cả 92 năm, từ năm Tân Dậu (660 tr. TL) đến năm Nhâm Thìn (569 tr. TL).

17. Hùng Nghị Vương, húy Bảo Quang Lang, sinh năm Ất Dậu (576 tr. TL) lên ngôi khi 9 tuổi, ở ngôi tất cả 160 năm, từ năm Quý Tỵ (568 tr. TL) đến năm Nhâm Thân (409 tr. TL).

18. Hùng Duệ Vương, sinh năm Canh Thân (421 tr. TL), lên ngôi khi 14 tuổi, ở ngôi tất cả 150 năm, từ năm Quý Dậu (408 tr. TL) đến năm Quý Mão (258 tr. TL).

Đền Hùng

le hoi den hung

Đền Hùng là tên gọi khái quát của Khu di tích lịch sử Đền Hùng – quần thể đền chùa thờ phụng các Vua Hùng và tôn thất của nhà vua trên núi Nghĩa Lĩnh (Việt Trì, Phú Thọ), gắn với Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng được tổ chức tại địa điểm đó hàng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch. Hiện nay, theo các tài liệu khoa học đã công bố đa số đều thống nhất nền móng kiến trúc đền Hùng bắt đầu được xây dựng từ thời vua Đinh Tiên Hoàng trị vì. Đến thời Hậu Lê (thế kỷ 15) được xây dựng hoàn chỉnh theo quy mô như hiện tại.

Đền Hùng được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, giữa đất Phong Châu, ngày nay là xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Quần thể di tích đền Hùng nằm từ chân núi đến đỉnh ngọn núi Nghĩa Lĩnh cao 175 mét (núi này từng có những tên gọi như Hùng Vương sơn, Núi Cả, Nghĩa Lĩnh, Nghĩa Cương, Hy Cương, Hy Sơn, Bảo Thiếu Lĩnh, Bảo Thiếu Sơn), thuộc địa phận xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, trong khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt giáp giới với những xã thuộc huyện Lâm Thao, Phù Ninh và vùng ngoại ô thành phố Việt Trì, cách trung tâm thành phố Việt Trì khoảng 10 km.

Các hoạt động văn hóa chính trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ hội diễn ra vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, tuy nhiên, lễ hội thực chất đã diễn ra từ hàng tuần trước đó và kết thúc vào ngày 10 tháng 3 âm lịch với lễ rước kiệu và dâng hương trên đền Thượng.

Có 2 lễ được cử hành cùng thời điểm ngày chính hội tại đền Hùng:

– Lễ rước kiệu vua: Đám rước kiệu, nhiều màu sắc của rất nhiều cờ, hoa, lọng, kiệu, trang phục truyền thống xuất phát từ dưới chân núi rồi lần lượt qua các đền để tới đền Thượng, nơi làm lễ dâng hương.

– Lễ dâng hương: Người hành hương tới đền Hùng chủ yếu vì nhu cầu của đời sống tâm linh. Mỗi người đều thắp lên vài nén hương khi tới đất Tổ để nhờ làn khói thơm nói hộ những điều tâm niệm của mình với tổ tiên. Theo quan niệm của người Việt, mỗi nắm đất, gốc cây nơi đây đều linh thiêng và những gốc cây, hốc đá cắm đỏ những chân hương.

Phần hội có nhiều trò chơi dân gian. Đó là những cuộc thi hát xoan (tức hát ghẹo), một hình thức dân ca đặc biệt của Phú Thọ, những cuộc thi vật, thi kéo co, hay thi bơi trải ở ngã ba sông Bạch Hạc, nơi các vua Hùng luyện tập các đoàn thủy binh luyện chiến.

Những hoạt động trong Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2023

(chinhphu.vn) – Lễ giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa – Du lịch Đất Tổ năm 2023 sẽ được tổ chức từ ngày 20/4 đến 29/4 (tức ngày 1/3 đến hết ngày 10/3 năm Quý Mão) tại tỉnh Phú Thọ, với đầy đủ phần lễ và phần hội.

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa – Du lịch Đất Tổ năm 2023 nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, biết ơn sâu sắc các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; khơi dậy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc hướng về nguồn cội, tri ân công đức Tổ tiên; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên quê hương Đất Tổ và các di sản văn hóa đại diện của nhân loại được UNESCO ghi danh.

Cụ thể, nội dung phần Lễ bao gồm: Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ (ngày 25/4/2023); Lễ giỗ Tổ Hùng Vương và dâng hoa tại Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong” (ngày 29/4/2023); Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng của các huyện, thành, thị trong tỉnh Phú Thọ, các địa phương, các tổ chức và của cộng đồng (từ ngày 20/4 – 29/4/2023). Việc tổ chức phần Lễ đảm bảo trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng đảm bảo văn minh, tiết kiệm, giáo dục truyền thống hướng về cội nguồn.

Các hoạt động phần Hội gắn kết chặt chẽ với du lịch, tạo thành các chuỗi hoạt động Tuần Văn hóa – Du lịch, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo vùng đất Tổ, tạo sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch, quảng bá rộng rãi tiềm năng, thế mạnh tài nguyên du lịch văn hóa Phú Thọ. Huy động cao nhất các nguồn lực xã hội hóa đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tuần Văn hóa – Du lịch Đất Tổ năm 2023 là một chuỗi các sự kiện, tiêu biểu như lễ khai mạc “Lễ hội Đền Hùng và Tuần lễ di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh” (ngày 21/4); hội thảo quốc tế “Diễn đàn du lịch, văn hóa, di sản và sự phát triển bền vững Việt Nam”; hội chợ du lịch Tây Bắc năm 2023; liên hoan văn hóa ẩm thực Đất Tổ; hội trại văn hóa và liên hoan văn nghệ quần chúng phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương…

Bên cạnh đó còn có các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch khác như triển lãm “Di sản văn hóa, du lịch các vùng kinh đô Việt Nam”; trưng bày tư liệu, hiện vật về lễ hội và Tín ngưỡng thời đại Hùng Vương; triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề “Quê hương, con người Phú Thọ”; chương trình “Hát Xoan làng cổ” phục vụ khách du lịch; biểu diễn múa rối nước; trình diễn đâm đuống, đánh trống đồng; hội thi gói nấu bánh chưng, giã bánh giầy; lễ hội áo dài trẻ em Việt Nam “Hướng về nguồn cội”; trình diễn trang phục áo dài dân tộc Việt Nam; tổ chức đoàn famtrip “Hành trình du lịch sắc màu Trung du”.